Tin khuyến mãi 23/11/2017
Trà sữa du nhập vào Việt Nam khoảng 15 năm trước nhưng phải mất tầm 4 năm sau đó, thức uống này mới được giới trẻ ưa chuộng. Các quán nước ven đường, các xe đẩy hiếm khi nào vắng bóng những cô cậu học trò áo trắng, vừa cầm cốc trà sữa vừa vui vẻ trò chuyện.
Bẵng đi một thời gian, người ta thấy trào lưu trà sữa hạ nhiệt dần. Nhiều cửa hàng phải thanh lý hoặc đóng cửa, số khác vẫn chật vật tồn tại nhằm cố níu kéo chút hoàng kim ngày nào. Tất cả chỉ vì thông tin trà không có nguồn gốc, trân châu làm từ nhựa polymer rộ lên vào khoảng cuối 2009.
Tưởng rằng trà sữa sẽ chìm vào quên lãng thì đến 2012, các thương hiệu Đài Loan đổ bộ vào Việt Nam, vẫn là món trà sữa ngày nào nhưng được phục vụ theo một phong cách hoàn toàn mới: trà sữa uống kèm topping, phát triển mô hình dạng chuỗi, không gian thiết kế bài bản không kém bất kỳ quán café tên tuổi nào.
Và ánh hòa quang của trà sữa dần dần trở lại, đặc biệt vào khoảng cuối 2016 đầu 2017.
Anh Nguyễn Khải, đại diện thương hiệu trà sữa Tototoco cho biết trong giai đoạn này, Tocotoco đã phát triển bùng nổ với 110 điểm bán mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng, trở thành một trong những thương hiệu có số lượng chuỗi lớn nhất hiện nay. Các thương hiệu đình đám khác như Hot $ Cold, Gong Cha, Phúc Long, Goky, Bobapop… cũng duy trì độ phủ ở mức trên 20 điểm bán.
Xét trên khía cạnh người tiêu dùng, trà sữa đặc trưng bởi vị ngọt, béo ngậy, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả trẻ em, giới văn phòng đều yêu thích. Bên cạnh đó, trà sữa liên tục “biến hình” để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, từ những dòng trà kem cheese, trà hoa quả cho đến trà ít béo.
Một điểm cộng nữa khiến trà sữa được ưa chuộng chính là phong cách phục vụ. Thay vì những hàng quán nhỏ, những xe đẩy cổng trường như trong quá khứ, trà sữa được thiết kế thành không gian rộng rãi, có chỗ ngồi cố định, có điều hòa mát lạnh…
“Nếu thế hệ 8x trước đây thường chọn các quán cà phê để gặp gỡ, chuyện trò, thì với thế hệ 9x, 2000, xu hướng đang chuyển dần sang các quán trà sữa”, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Đó là trên khía cạnh khách hàng, còn trên khía cạnh người kinh doanh, tại sao họ có thể dè dặt khi nghĩ đến chuyện mở cà phê nhưng sẵn sàng gật đầu với trà sữa?
Theo một chuyên gia thẩm định đầu tư, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho một quán trà sữa vào khoảng một tỷ đồng, nếu có thể tận dụng luồng khách hàng đông đảo như hiện nay thì thời gian thu hồi vốn chỉ vào khoảng 12-18 tháng.
Còn ông Trịnh Minh Huy, một chuyên gia về ẩm thực và kinh doanh nhà hàng thì chia sẻ với Báo Nhân Dân rằng lợi nhuận trà sữa rơi tầm 60% so với chi phí bỏ ra. Sau này dù nhu cầu có hạ nhiệt thì lợi nhuận vẫn bình quân ở mức 30-50%.
Từ những lý do trên, việc đầu tư vào trà sữa đang được nhiều cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn. Gần đây nhất, the Coffee House tuyên bố sẽ gia nhập thị trường trà sữa bằng việc bắt tay với thương hiệu Ten Ren đến từ Đài Loan. Tập đoàn Golden Gate cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên mang tên Yu-tang tại phố Chùa Láng, Hà Nội. Hay như KFC, ông lớn trong ngành đồ ăn nhanh đã đưa món trà sữa vào menu trên toàn hệ thống kinh doanh của mình.